Dấu thiêng của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đất Hải Phòng

Cách đây vừa tròn 708 năm, ngày mồng 3-11 năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch tại am Ngọa Vân trên non thiêng Yên Tử, thọ 51 tuổi. Ngài là vị vua thứ ba của triều Trần (1225-1400) đầy hiển hách. Trong 15 năm trị vì đất nước (1278-1293), Hoàng đế Trần Nhân Tông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Trên đất Hải Phòng còn lưu giữ rất nhiều dấu tích thiêng của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.


Đức vua Trần Nhân Tông tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258), năm hai vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược Thát Đát lần thứ nhất tại Đông Bộ Đầu. Ngài là con trưởng của Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu. Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (1278), Ngài lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo (1279-1284), Trùng Hưng (1285-1293). Năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, lui về phủ Thiên Trường (Nam Định) làm Thái Thượng hoàng, nhưng vẫn chỉ đạo và giám sát vua Anh Tông.
Vốn sùng kính đạo Phật từ nhỏ, năm 1295, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến chùa Vũ Lâm, huyện Yên Khánh, trấn Trường Yên (nay thuộc xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư - Ninh Bình), tập sự xuất gia với Quốc sư Huệ Tuệ. Đến tháng 10 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299), 41 tuổi, Ngài vào núi Yên Tử, chính thức tu hạnh Đầu Đà, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Do uy tín, đức độ, trí tuệ của Trúc Lâm Tam Tổ mà Thiền phái Trúc Lâm đã quy tụ được các tông phái Phật giáo của Đại Việt thành một tổ chức Phật giáo thống nhất. 
 Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn vùng non thiêng Yên Tử để tập hợp tín đồ để truyền bá giáo lý Thiền tông của Lục tổ Huệ Năng với tinh thần “Cư trần lạc đạo” của mình, không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Khi còn là Tổng chỉ huy và đích thân xông pha trận mạc chống giặc Nguyên Mông xâm lược, Trần Nhân Tông và quân đội nhà Trần đã nhiều lần nhận được sự giúp đỡ, che chở của nhân dân, tăng ni, Phật tử vùng rừng núi non hiểm trở miền Đông Bắc và vùng cửa biển Bạch Đằng.
Giữa lúc nguy khốn nhất, bị giặc bao vây, truy đuổi gắt gao, vua Trần Nhân Tông và Thái Thượng hoàng đã được Trần Lại - người làng Hữu Triều Môn (Thuỷ Nguyên) dâng cơm gạo; dân làng Thuỷ Chú (Thuỷ Nguyên), Chân Kim (Dương Kinh) cử người bí mật đưa Vua và Thượng Hoàng vượt vòng vây vào Thanh Hoá chuẩn bị cuộc phản công chiến lược.
Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và bộ phận tham mưu chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 được các vị sư trụ trì chùa Đỏ (Linh Độ tự), chùa Vẽ (Hoa Linh tự) ở làng Đoạn Xá phục vụ. Chùa Thiểm Khê (Liên Khê - Thuỷ Nguyên) là nơi Trần Hưng Đạo luyện tập quân sĩ chuẩn bị cho trận đánh Trúc Động năm 1288.
Chùa Mai Động (Liên Khê - Thuỷ Nguyên) là nơi quân đội triều đình xây dựng kho lương phục vụ chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Các làng xã phía Nam huyện Vĩnh Bảo còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện cảm động về căn cứ Lưu Đồn ở huyện Thái Thụy - tức cung điện dã ngoại (gọi là cung Trần Vương) của vua Trần Nhân Tông ở vùng hạ lưu sông Hóa, đối ngạn với huyện Vĩnh Bảo.
Đề cập đến động cơ tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng - Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông không thể không nhắc đến vai trò và ảnh hưởng to lớn của Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, đạo hiệu là Tuệ Trung thượng sĩ. Sách Tam tổ thực lục chép rằng: “Nhân Tông tham khảo những yếu chỉ của Tuệ Trung thượng sĩ, thu lượm được nhiều tinh hoa của đạo Thiền, nên vẫn thờ Tuệ Trung là thầy”.
Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung là con cả của An Sinh Vương Trần Liễu, mẹ là Thiện Đạo phu nhân Lý Thị Nguyệt. Ngài là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu (mẹ của Trần Nhân Tông). Trần Quốc Tung là bậc danh thần lỗi lạc. Ngài đã nhiều lần làm sứ giả đến trại giặc để nghị hòa và thám thính ở Tổng hành dinh Thoát Hoan.
Thực hiện kế sách giữ nước, nhà Trần chủ trương “toàn dân vi binh, tông tử duy thành” (toàn dân làm lính, các thân vương cùng lo bảo vệ vương triều) và một trong những chính sách kinh tế được nhà Trần áp dụng là phong cấp thái ấp cho các vương hầu quý tộc và những người có công để làm phên dậu bảo vệ chính quyền. Vốn là người có nhiều công lao trong sự nghiệp chống đế quốc Nguyên - Mông (từng được cử làm Phó Tổng tư lệnh cánh quân phía Đông do Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đảm trách) nên sau khi khải hoàn, Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung được vua Trần giao trấn giữ miền biên tái Thái Bình (vùng Hải Dương và Hải Phòng ngày nay). Ở làng Dưỡng Chính, xã Chính Mỹ, huyện Thuỷ Nguyên, các nhà sử học đã phát hiện thấy dấu vết Tịnh thất Dưỡng Chân của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung.
Do ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm và uy tín cũng như đạo hạnh của Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, đạo Phật thời Trần ở vùng đất Hải Phòng phát triển rất thịnh đạt. Đương thời, vùng này xuất hiện nhiều chùa, tháp với quy mô lớn như: chùa Đông Khê (Nguyệt Quang tự), chùa Dư Hàng (Phúc Lâm tự), chùa Thường Sơn (Hàm Long tự), chùa Phù Lưu (Thiên Vũ tự), chùa Mỹ Cụ (Linh Sơn tự), chùa Vẽ (Hoa Linh tự), chùa Núi Voi (Long Hoa tự), chùa Kha Lâm, chùa Vân Bản…
Đáng chú ý là công chúa Thiên Thuỵ - chị gái vua Trần Nhân Tông đã chiêu mộ dân khai hoang, đắp đê ngăn mặn, mở mang nhiều làng xã ở huyện Kiến Thuỵ và An Lão. Thái trưởng công chúa Thiên Thuỵ (công chúa Quỳnh Trân) cho dựng chùa Mõ ở trang Nghi Dương (xã Ngũ Phúc - Kiến Thuỵ). Một người chị khác của Trần Nhân Tông là công chúa Chiêu Chinh đã bỏ tiền của làm chùa Kha Lâm, mở chợ Bến Đò, khai hoang đất ở ven sông Lạch Tray (quận Kiến An) và tu sửa chùa Long Hoa ở núi Voi...

Theo ngọc phả đền Kha Lâm, công chúa Chiêu Hoa (con gái trong dân gian của vua Trần Thánh Tông) cùng chồng là Thái Học Sinh Cao Toàn, người làng Phù Liễn (Kiến  An) dốc lòng giúp dân làng Phù Liễn (Kiến An), làng Tiểu Trà (Kiến Thụy) mở mang làng xóm, dựng chùa thờ Phật. Sách Đồng Khánh dư địa chí và Hải Dương Toàn hạt dư địa chí, mục từ miếu huyện Tiên Minh chí chép: “Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi vua, đến tu ở chùa Yên Tử. Một hôm từ Thiên Trường qua Diên Lão (nay thuộc xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng) gặp phụ lão cung kính đón rước, Nhân Tông rất bằng lòng, cho là dân nơi đây biết lễ ban cho tên là Diên Lão; lại dặn sau này thấy trên mặt sông có vật lạ thì rước về thờ sẽ được che chở. Ngày Điều Ngự giác Hoàng nhập niết bàn trên núi Yên Tử, phụ lão Diên Lão thấy có phiến đá trôi ngược dòng sông bèn rước về lập đền thờ gọi là Trần Nhân Tông từ (tức đền thờ Trần Nhân Tông), rất linh ứng. Hòn đá nay vẫn còn ở trong đền”…
MORE

Related Posts

Dấu thiêng của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đất Hải Phòng
4/ 5
Oleh

Xem Thêm

MENU


Loading...
Cách ngồi thiền nghe nhạc tịnh tâm