Cà phê là tên gọi một thứ cây, một thức uống quen thuộc từ lâu ở Việt Nam, nhưng nó không phải là giống cây thuần Việt. Các tài liệu lịch sử ghi lại, cây cà phê được người Pháp mang đến Việt Nam từ giữa những năm 70 của thế kỷ 19. Ban đầu, cà phê được trồng ở nhiều vùng đất khác nhau, từ Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hoá đến Quảng Bình, Quảng Trị… và cuối cùng trụ lại ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, phổ biến nhất là trồng ở Ban-Mê-Thuột.
Từ năm 1870 đến năm 1873, danh nhân Bùi Viện, làm quan triều Nguyễn, giữ chức Thương chánh tham biện kiêm Chánh quản đốc Nha tuần hải, là một chuyên gia về kinh tế đối ngoại, một nhà ngoại giao tiền bối được vua Tự Đức giao phó một nhiệm vụ đặc biệt. Bùi Viện cho xây dựng một bến cảng bên cửa sông Cấm (trên địa phận làng Gia Viên, thuộc Hải Phòng ngày nay) mang tên Ninh Hải và một căn cứ phòng ngự bờ biển ở liền kế bên, gọi là Nha Hải Phòng sứ, đặt nền móng cho Cảng Hải Phòng sau này.
Trong cuốn: Hải Phòng - những chặng đường lịch sử có ghi: Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1873-1874, tại cảng Ninh Hải, triều đình nhà Nguyễn và người Pháp lập nên một cơ quan thuế vụ chung, quản lý việc thương mại ở vùng này gọi là “Hải Dương thương chính quan phòng”, về sau gọi tắt là Hải Phòng. Việc này được ghi dấu tại Hoà ước Giáp Tuất, do Nhà Nguyễn ký với Pháp năm 1874.
Ngày 19-7-1888, Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh thành lập thành phố Hải Phòng. Tiếp đó, ngày 3-10-1888, vua Tự Đức ban Chiếu chỉ nhượng hẳn phần đất Hải Phòng cho Pháp. Từ đây bắt đầu quá trình “khai hoá văn minh” của người Pháp tại Hải Phòng. Năm 1900, Pháp cho giải toả chợ Làng Vẻn để xây Nhà hát lớn. Đây là nhà hát đầu tiên do người Pháp xây dựng trên đất Việt Nam, ban đầu chuyên tổ chức các buổi hoà nhạc cho quan chức, binh lính người Pháp và một số quan lại người Việt.
Cùng với Nhà hát lớn, cư dân Hải Phòng được dùng nước máy và điện chiếu sáng (được cung cấp bởi Nhà máy nước Uông Bí và Nhà máy điện Uông Bí - thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) trước cả nước. Cũng từ đây, bắt đầu hình thành nhiều khu đô thị, khu vui chơi giải trí phục vụ quan quân cầm quyền, các phú thương và tầng lớp thượng lưu. Một trong những công trình mang dấu ấn thượng lưu thời đó chính là quán cà phê nằm ở cuối đường Lạch Tray, sát chân cầu Rào ngày nay.
Cầu Rào xưa là cây cầu được dựng trên khu cánh đồng Rào, thuộc xã Đằng Giang, huyện An Hải cũ, vì thế cầu có tên là cầu Rào. Cuối thế kỷ 19, cầu Rào bắc qua sông Lạch Tray, sau được dựng bằng bê-tông cốt sắt, nền thấp, đường dẫn đắp bằng đất nối nội thành Hải Phòng với con đường chạy ra khu du lịch Đồ Sơn.
Ở đầu cầu Rào, phía nội thành Hải Phòng bây giờ, tức là khu đầu đường Thiên Lôi, (đoạn gần khách sạn chuyên gia cũ, nay là Khách sạn Ngôi Sao), một đại gia người Pháp đã cho xây tại đây một quán cà phê hoành tráng, phục vụ quan chức, binh lính người Tây và quan lại người Việt.
Quán cà phê được xây 2 tầng, theo lối biệt thự sân vườn đặc trưng kiến trúc của Pháp. Hàng ngày, khách tây, khách ta vào ra tấp nập thưởng thức hương vị cà phê - vốn là đặc sản của “mẫu quốc”. Bên ngoài quán, từng dãy xe tay, xe kéo cùng phu xe đứng chờ các quan lại, quý tộc, mệnh phụ phu nhân đến đây uống cà phê.
Quán cà phê được phát hiện bởi một câu chuyện thú vị: Năm 1900, một nhà báo người Pháp tới Hải Phòng tác nghiệp đã đến quán này thưởng thức cà phê và chụp những bức ảnh đen trắng cực kỳ quý hiếm, ghi lại hình ảnh của quán. Căn cứ vào các bức ảnh, có thể xác định quán cà phê chắc chắn được xây dựng trước năm 1900 (có thể nó được xây cùng thời điểm Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập TP Hải Phòng, năm 1888).
Những bức ảnh này đã ngủ yên trong kho tư liệu trong một thời gian dài. Đến cuối năm 2015, chúng được công bố trên trang web: www.delcampe.net và nhanh chóng được các trang mạng xã hội, nhất là các trang tư liệu lịch sử Hải Phòng chia sẻ rộng rãi với sự ngạc nhiên của các nhà nghiên cứu và những người yêu mến thành phố cảng Hải Phòng
MORE
Phát hiện thú vị về quán cà phê đầu tiên ở Hải Phòng
4/
5
Oleh
ABU