LỄ HỘI PHỦ THƯỢNG ĐOẠN


Người Việt ta có câu “ tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, hòa chung vào tiết thanh minh lễ hội Phủ Thượng Đoạn diễn ra từ 1/3 đến 15/3 âm lịch . Phủ Thượng Đoạn là nơi thờ Mẫu một trong “ Tứ linh từ ” theo tín ngưỡng của người Việt. Phủ Thượng Đoạn nằm trên đất phường Đông Hải – Quận Hải An, Hải Phòng.
Phủ Thượng Đoạn dựng trên khu đất cao, thoáng đãng. Phủ trông về hướng nam trong tư cách “thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” có nghĩa bậc thánh nhân ngồi quay hướng nam mà nghe thiên hạ tâu bày; trước mặt phủ có hồ nước là điểm tụ thuỷ tạo nên thế phong thuỷ đảm bảo sự hài hoà âm dương và nhằm tích phúc cho thế đất nơi đây.
Phủ Thượng Đoạn_Hải Phòng
Theo truyền ngôn, phủ được xây dựng khoảng thế kỷ 16 và đã qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo. Phủ Thượng Đoạn là một công trình kiến trúc cổ tương đối quy mô và bề thế. Kiến trúc phủ bố cục theo lối “tiền nhất - hậu đinh”, gồm có 3 lớp: tam quan, bái đường và hậu cung.
Ở phủ Thượng Đoạn, Mẫu không chỉ có một mà gồm cả một hệ thống đầy đủ:
- Tam toà thánh mẫu: là hệ thống sáng tạo tượng trưng cho sức mạnh của tự nhiên.
- Ngũ vị tôn ông là 5 quan lớn cai quản và thực hiện ý đồ của mẫu ở 5 phương;
- Tứ phủ quan hoàng, tứ phủ thánh cô, tứ phủ thánh cậu: là những người phụ tá giúp việc của Mẫu;
- Hậu cung, cạnh ban Tam toà thánh mẫu đặt ban thờ Thánh phụ, Thánh mẫu;
Hàng năm vào dịp tháng 3 âm lịch, phủ Thượng Đoạn tưng bừng mở hội với các hoạt động tế, lễ và đặc biệt trong lễ hội có nghi thức rước kinh sách từ chùa Vẽ về Phủ để phối thờ. Đây là một hoạt động của lễ hội nhằm nhắc lại sự tích của thánh mẫu: tương truyền trong một kiếp hoá thân chúa Liễu đã quy tam bảo nên lễ hội của phủ có nghi thức rước kinh phật. Bên cạnh các hoạt động tế lễ trang nghiêm, rước sách kính cẩn, lễ hội phủ Thượng Đoạn còn tổ chức một số trò chơi dân gian như tổ tôm điếm, hát ca trù, hát chèo, hát chầu thánh mẫu,… thu hút đông đảo nhân dân và du khách trong, ngoài thành phố về dâng hương và tham dự  lễ hội nơi cửa mẫu.
Hội Phủ Thượng Đoạn_Hải Phòng
Lễ hội được tổ chức theo lối cách nhật. Ngày mồng Một bắt đầu vào hội với tế lễ nhập tịch do dân làng thượng Đoạn thực hiện. Trước một ngày nhập tịch, dùng lễ trầu, rượu, gà, xôi cáo yết rồi dùng nước thơm tắm thần vị, tắm xong lại lau phủ nước trầm hương một lượt nữa, gọi là lễ mộc dục. Tắm xong thì phong áo mũ đại trào, có thể bằng vải, có thể bằng giấy, xong tế một tuần, gọi là tế gia quan. Ngày mồng hai hợp tế 3 xã là Đoạn Xá, Vạn Mỹ, Thượng Đoạn. Tối mồng hai tổng Hạ Đoạn cử một đoàn chức sắc, chức dịch, lão hạng đến làm lễ yết. Ngày mồng ba tế hàng huyện vì đây là một trong những  ngũ linh từ của huyện An Dương. Sau đó đóng cửa Phủ từ ngày mồng bốn cho đến hết ngày mồng bảy.
Ngày mồng 8 mở cửa từ sáng sớm, hội lại tiếp diễn, nghi thức tế lễ giống như lần trước. Đặc biệt sáng ngày 11 hội tổ chức đám rước thần tượng chúa Liễu từ Phủ Thượng Đoạn ra chùa tân ( nay là chùa Vẽ ) để làm lễ chư Phật, xin nghênh rước kinh sách về Phủ để phối thờ hưởng hội lễ. Đến ngày 14 tháng ba thì tổ chức rước trả lại chùa. Tương truyền trong một kiếp hóa thân, chúa Liễu đã quy Tam Bảo nên lễ hội của Phủ có việc rước kinh phật này nhằm nhắc lại sự tích của Thánh Mẫu.
Trong những ngày này, du khách bốn phương từ khắp nẻo đường đổ về tấp nập, áo quần đua sắc ai nấy đều hồ hởi, vui tươi. Trong Phủ khói hương nghi ngút, ngoài sân cờ tán bay phấp phới, người vào Phủ kẻ đến chùa, kẻ ra đền chen chúc ngược xuôi. Ngoài hoạt động tế lễ trang nghiêm, rước sách kính cẩn và vui nhộn, ngày h ội Phủ Thượng Đoạn còn tổ chức một số trò chơi dân gian như : tổ tôm điếm, đánh cờ, hát ca trù, hát chèo, múa rối nước ...để du khách cùng tham dự, đông nhất vẫn là đám hát chầu Thánh Mẫu. 
Với những giá trị và ý nghĩa đó của di tích, ngày 21/1/1992 di tích phủ Thượng Đoạn đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 97/QĐ và trở thành một trong “tứ linh từ” thiêng liêng của huyện cổ An Dương.



MORE

Related Posts

LỄ HỘI PHỦ THƯỢNG ĐOẠN
4/ 5
Oleh

Xem Thêm

MENU


Loading...
Cách ngồi thiền nghe nhạc tịnh tâm