LOGISTICS HẢI PHÒNG

Hãy đừng mặc định đồng nghĩa Logistics và hậu cần thương mại. Thuật ngữ hậu cần thương mại trước đây ở Hải Phòng là rất phổ biến nhưng bây giờ đã không còn phù hợp trong sự phát triển hiện nay của vận chuyển toàn cầu. Hiện nay, thuật ngữ Logistics ngày càng được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên, Logistics là một trong những số ít thuật ngữ khó dịch nhất. Logistics có thể được định nghĩa là một quá trình tối ưu hóa về thời gian và chi phí trong việc chuyển dịch hàng hóa hay thông tin liên quan tới khâu đầu vào (nguyên nhiên liệu vật tư) và khâu đầu ra (sản phẩm cuối cùng) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng; hiểu một cách đơn giản là dịch vụ giao, nhận và lưu trữ hàng hóa.
Logistics là khái niệm vô cùng lớn, là cả 1 chuỗi (chain) từ quá trình chuẩn bị hàng của người xuất khẩu (exporter) cho tới sản xuất hàng, vận tải nội địa, thông quan và thủ tục hải quan,  kho bãi, vận chuyển quốc tế, giao nhận quốc tế tới tận kho của người mua với mức thỏa mãn cao nhất.
Hoạt động của Logistics cơ bản bao gồm:
·                     Customer Services – Dịch vụ khách hàng
·                     Demand Forecasting/Planning – Dự báo nhu cầu
·                     Inventory Management – Quản trị hàng tồn kho
·                     Materials Management – Quản trị nguồn nguyên liệu
·                     Order Processing – Xử lý đơn hàng
·                     Packaging – Đóng gói hàng hóa
·                     Plant and warehouse Site Selection – Lựa chọn vị trí
·                     Procurement – Thu mua (rộng hơn Purchasing – chỉ là mua theo đơn hàng)
·                     Transportation management – Quản trị Vận tải (inland trucking và international transport)
·                     Customs Clearance – Thông quan Hải Quan(các công ty Việt Nam đang làm Customs brokerage, đại lý hải quan và khai thuê hải quan)
·                     Freight booking and Container Coordinator – book cước và điều vận container (air freight, ocean freight, trucking…)
·                     Warehousing and Storage Management – Quản trị kho hàng
·                     Logistics Information System – Hệ thống thông tin Logistics (ứng dụng IT, high-tech)
·                     Reverse Logistics – Logistics ngược
·                     Vendor monitoring- quản trị nhà cung cấp đầu vào(đặc biệt với các công ty đa quốc gia có chuỗi logistics riêng cho mình như Nike, Adidas, Samsung…)
Quy trình Logistíc

Các dịch vụ của Logistics bao gồm:
             Dịch vụ vận tải; dịch vụ kiểm tra và phân tích kĩ thuật, dịch vụ bưu chính, dịch vụ thương mại bán buôn, dịch vụ thương mại bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng và một số dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, logistics đã và đang phát triển nhanh chóng và mang lại diện mạo hiện đại, văn minh cùng những lợi ích to lớn cho nhiều quốc gia phát triển. Với thành phố Hải Phòng dường như logistics (dịch vụ hậu cần) vẫn chỉ là tiềm năng đang bỏ ngỏ, chưa có những bứt phá khác biệt để khai thác hết lợi thế này... 
Vai trò của logistics đối với doanh nghiệp
·         Logistics giúp giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp một cách hiệu quả nhờ tối ưu hoá quá trình chu chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá, vật liệu.
Về đầu vào, logistics giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng và số lượng những nguồn cung luôn đáp ứng nhu cầu sản xuất đúng thời gian, đúng địa điểm, đảm bảo quá trình sản xuất kinh doanh được tiến hành liên tục. Về đầu ra, logistics phân phối sản phẩm dịch vụ tới khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả thông qua mạng lưới phân phối, góp phần đẩy nhanh quá trình tiêu thụ và vòng quay của vốn.
·         Logistics góp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Nhờ tích hợp chuỗi các hoạt động logistics một cách tối ưu, logistics tạo nên một hệ thống cung ứng thống nhất giúp cho hoạt động quản lý có hệ thống và hiệu quả hơn. Hệ thống JIT giúp giảm lượng tồn kho, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng cùng với việc tiêu chuẩn hoá các chứng từ trong lưu thông đã góp phần làm giảm chi phí logistics từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
·         Logistic hỗ trợ đắc lực cho hoạt động marketing, đặc biệt là marketing hỗn hợp. Logistics thực hiện và kiểm soát chuỗi các hoạt động liên hoàn để đưa đúng sản phẩm ( Right Product ) đến đúng thời gian, đúng địa điểm ( Right Place ). Điều này khiến giá trị sản phẩm, dịch vụ khách hàng nhận được cũng như mức độ hài lòng của khách hàng cao hơn khi mà các nhu cầu được đáp ứng nhanh chóng, đúng nơi, đúng lúc.
          Điểm "nghẽn" trong logistics thành phố Cảng 

           Hải Phòng còn là thành phố duy nhất của phía Bắc hội đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không). Hệ thống cảng biển và hàng không thuận lợi cùng các điều kiện địa lý tự nhiên là tiền đề cho thành phố phát triển các ngành kinh tế thế mạnh như: vận tải hàng hóa, kinh doanh cảng biển, kho bãi, xuất khẩu thủy sản, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là dịch vụ logistics.  Đến thời điểm này, thành phố có 133 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics; trong đó, chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp có hoạt động tích cực trong lĩnh vực logistics. Hiện có 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Hải Phòng như: FedEx, UPS, DHL...chiếm tới 70-80% thị phần logistics. Số lao động logistics khoảng 175.000 người (chiếm 20% lao động logistics cả nước)... 
            Một thành phố được biết đến là cửa ngõ của khu vực phía Bắc và cả nước ra vịnh Bắc Bộ và thế giới, với tiềm năng phát triển kinh tế xã hội lớn và hệ thống cảng với lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất khu vực phía Bắc (9 tháng của năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 78,9 triệu tấn, tăng 19,08% so với cùng kỳ năm trước). Với nhu cầu khối lượng hàng hóa vận tải biển ngày càng tăng thì với thực tế cơ sở hạ tầng như hiện nay, Hải Phòng đang gặp nhiều vấm đề bất cập trong việc phát triển dịch vụ logistics. Theo thống kê, hàng năm thì lượng hàng thông qua cảng tại Hải Phòng tăng kỷ lục, vượt xa dự báo, là một trong những địa phương đi đầu cả nước về cảng biển với 35 DN khai thác cảng với tổng chiều dài cầu cảng hơn 10,5km, chiếm ¼ chiều dài cầu cảng cả nước. Hệ thống thiết bị bốc xếp tại các cảng thuộc hàng tối tân của thế giới, như: cẩu dàn QC tại Cảng Hải Phòng với sức nâng 50 tấn trở lên, hệ thống cần trục chân đế sức nâng 40 tấn tại các cảng và các loại xe nâng hiện đại, xếp dỡ gần 110 tấn/ngày. Nhưng hiện nay, hệ thống cảng tại Hải Phòng đang tích tụ nhiều vấn đề nghiêm trọng, đó là luồng tàu bị bồi lắng không đạt chuẩn thiết kế, tàu ra vào khó khăn, phải chuyển tải hây thiệt hại lớn về kinh tế và mất an toàn hàng hải. Việc nạo vét sâu luồng cho cảng biển đạt chuẩn (-7,2m) thì tàu một vạn tấn sẽ ra vào dễ dàng, giảm mật độ lưu thông và vận hành các bến cảng. Hệ thống giao thông sau cảng cũng đang là vấn đề bức xúc do cơ sở hạ tầng thếu đồng bộ và tổ chức vận tải không hợp lý: hơn 70% lượng hàng qua cảng thực hiện bằng đường bộ, đường sông chiếm 18% và đường sắt chỉ chiếm 3%. Điều này dẫn đến thường xuyên ùn tắc giao thông và liên quan đến các tàu bị phạt vì chậm xếp dỡ hàng, hệ thống kho dãi dồn tắc đã cản trở phát triển dịch vụ logistics. Theo ông Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân, với môi trường logistics ở Việt Nam và Hải Phòng vẫn còn hạn chế, bất cập như: chưa có các cơ chế, chính sách đột phá cho phát triển logistics. Các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội thành phố, các quy hoạch giao thông vận tải, thương mại, kết cấu hạ tầng thương mại, chưa được "kết dính" bằng logistics, bằng các hoạt động thông qua các trung tâm logistics. 
          Cùng với đó là hệ thống, văn bản, chính sách vẫn còn thiếu, đặc biệt là cho phát triển cơ sở hạ tầng logistics cả hạ tầng phần cứng và hạ tầng phần mềm. Các tuyến quốc lộ được xây dựng còn hạn chế về kết nối do không tính tới việc xây dựng các trung tâm logistics. 
          Các trung tâm logistics quy mô vùng và khu vực chưa được đầu tư xây dựng tại các điểm có thể kết nối 5 loại phương tiện vận tải mà thành phố có lợi thế, kết nối các hành lang kinh tế trong vùng, đến nay các trung tâm logistics (hạng 2) chưa được đầu tư xây dựng trên các tuyến cao tốc, hành lang kinh tế kết nối cảng biển Hải Phòng. 
          Hiện tại, hệ thống đường sắt quốc gia nối với cảng Hải Phòng hiệu quả khai thác rất khiêm tốn (vận tải hành khách 1,08%, vận tải hàng hóa 0,79%), đã làm hạn chế sự phát triển các hoạt động logistics, gây ùn tắc, tai nạn giao thông, gây ô nhiễm môi trường và ứ đọng hàng hóa, hạn chế sự phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa ở thành phố và các địa phương trong vùng. 
           Thêm nữa, các doanh nghiệp logistics Hải Phòng lại là các doanh nghiệp logistics thực hiện các dịch vụ đơn lẻ có quy mô vừa và nhỏ, liên kết hợp tác hạn chế và tập trung ở thị trường nội địa với tiềm lực yếu. Đây là một sự yếu kém trong phát triển của hệ thống logistics thành phố. 
Như vậy, dịch vụ logistics ở Hải Phòng đang vận hành rất yếu, điều này đòi hỏi Hải Phòng phải có những giải pháp cụ thể về đầu tư, quản lý và khai thác để khắc phục những bất cập liên quan đến sự phát triển cảng biển và dịch vụ logistics nhằm đảm bảo phát huy tối đa năng lực toàn bộ hệ thống giao thông trong phục vụ hoạt động cảng biển. Và cấp thiết phải đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển đồng bộ các hoạt động logistics.Và quan trọng hơn cả là hình thành các đầu mối vận tải, xây dựng trung tấm logistics cấp quốc gia tại Lạch Huyện và các trung tâm logistics gần các cảng. Đồng thời xây dựng thêm các trung tâm logistics, trung tâm phân phối giúp cho việc lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận và phân phối. Xây dựng và hiện đại hóa hạ tầng giao thông, cầu cảng, bến bãi, trước mắt tập trung vào các dự án lớn, như cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc hà nội – Hải Phòng, cầu Đĩnh Vũ Cát Hải và đường cao tốc ven biển.
Để logistics Hải Phòng phát triển, việc xây dựng khu bến thương mại cho tàu trọng tải lớn tại vùng cửa Lạch Huyện làm đầu mối chính xuất nhập khẩu trên các tuyến biển xa (tàu container 4.000-6.000 TEU, tàu hàng 5-8 vạn tấn), và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ bốc xếp, quản lý, khai thác đồng bộ hiện đại tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ cho nhu cầu phát triển hàng hóa tại các tỉnh miền Bắc và quá cảnh cho vùng tây Nam Trung Quốc. Về lâu dài cần dành diện tích thích hợp sau cảng để hình thành khu công nghiệp dịch vụ hậu cần cảng, trong đó có trung tâm tiếp nhận phân phối container, là đầu mối quan trọng của hệ thống logistics. Bởi vì logistics là một hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền, hiệu quả của quá trình này có tầm quan trọng quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại của Hải Phòng để từng bước phát triển hạ tầng phục vụ cảng biển, giao thông và dịch vụ logistics tại Hải Phòng sẽ đáp ứng mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của VN và khu vực, với tốc độ tăng trưởng logistics trung bình đạt 15-20% trong giai đoạn 2011-2015, và đạt 20-25% giai đoạn 2016-2020.

               Giải pháp tạo đột phá cho logistics 

Hướng tới xây dựng Hải Phòng thành một trung tâm logistics của vùng và khu vực, ông Đặng Đình Đào cho rằng, Hải Phòng cần nâng cao nhận thức hơn nữa về logistics, đặc biệt là vai trò của các trung tâm logistics trong việc thực hiện các hình thức liên kết kinh tế và xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại... Đừng để lặp lại câu chuyện chi phí vận chuyển một container hàng từ Hải Phòng đi Hà Nội hay ở chiều ngược lại đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển 1 container từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc về Việt Nam. 

Hải Phòng cần sớm cải thiện môi trường logistics trên cả các yếu tố như cơ chế, chính sách phát triển logistics thành phố biển, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và được kết nối để tập trung hóa các hoạt động logistics trên địa bàn; thu hút các tập đoàn logistics trong nước và quốc tế vào đầu tư, kinh doanh, phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics có sức cạnh tranh cao. 

Ngoài các chính sách của trung ương về logistics, Hải Phòng cần có các chính sách cụ thể, đột phá có tầm nhìn dài hạn cho phát triển logistics. Hải Phòng phải có được, sở hữu được các trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc gia. Do vậy, thành phố cần sớm có chính sách ưu tiên đất đai cho xây dựng hạ tầng logistics và các trung tâm logistics để kết nối hiệu quả 5 loại hình phương tiện mà Hải Phòng đang có thế mạnh. Hải Phòng có 13 Khu công nghiệp với diện tích hơn 6.551 ha, 6 Cụm công nghiệp với 233,31 ha, nhưng rất tiếc đến nay Hải Phòng chưa có 1 Khu công nghiệp logistics nào đủ tầm của thành phố cảng loại 1A. 

Bên cạnh đó, cần phải có chính sách đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin logistics tại Hải Phòng. Phấn đấu cảng biển quốc tế Hải Phòng sớm có tên trong danh mục "tìm kiếm" của hệ thống quản lý container toàn cầu. Đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ cũng như áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào công tác quan lý và khai thác cảng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ hàng, chủ tàu tiết kiệm thời gian, giải phóng tàu nhanh, giảm chi phí vận tải và tăng hiệu quả vốn đầu tư

Thêm một tiền đề tạo đà cho Hải Phòng phát triển logistics cùng các dịch vụ khác lên tầm cao mới, đó là thành phố tập trung, quan tâm phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và các viện nghiên cứu chuyên ngành; thành lập Viện Hải dương học tại Hải Phòng nhằm đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu không chỉ về thủy hải sản mà còn cả các vấn đề biển và đại dương, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển. Đầu tư nhanh chóng phát triển Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đạt tầm cỡ hàng đầu châu lục, để trong thời gian ngắn, góp phần đưa Hải Phòng phát triển bứt phá về kinh tế hàng hải, công nghiệp đóng tàu và logistics./. 

Xu hướng phát triển
Ø  Ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử
Ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử giúp cho việc cập nhật, xử lý và truyền tải thông tin nhanh chóng, hiệu quả giữa các bên trong các hệ thống cung ứng, tạo ra tiện ích cho khách hàng về thời gian, không gian và sự thuận tiện đồng thời đẩy nhanh tốc độ giao dịch.
Ø  Ứng dụng phương pháp quản lý logistics kéo.
Phương pháp quản lý kéo nghĩa là nhu cầu của khách hàng kéo sản phẩm, dịch vụ từ nhà sản xuất về phía thị trường. Theo đó, hoạt động sản xuất được thực hiện dựa trên nhu cầu từ phía khách hàng, nói cách khác, khi nhu cầu của khách hàng xuất hiện thì sản phẩm mới được sản xuất/lắp ráp, dịch vụ mới được cung ứng.
Ø  Xu hướng thuê ngoài dịch vụ logistics từ các công ty cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp.
Thuê ngoài giúp doanh nghiệp lọa bỏ các dịch vụ tự thực hiện (1PL) không hiệu quả. Nhờ vậy, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào các hoạt động cốt lõi, giảm chi phí vốn đầu tư, tận dụng được những lợi ích từ dịch vụ được cung cấp một cách chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra trong lĩnh vực logistics còn nhiều xu hướng phát triển khác nữa như giảm số lượng nhà cung cấp, mở rộng mạng lưới logistics ra toàn cầu, chú trọng tới các vấn đề môi trường,…
Thành phố Hải Phòng có nền tảng và tiềm năng để trở thành một trung tâm logistics chính của Việt Nam và trong tương lai là điểm trung chuyền của mạng lưới logistic khu vực và toàn cầu. Với sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng trọng điểm, Hải Phòng sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan đến GTVT, nguồn đầu tư nước ngoài…Hải Phòng – thành phố Cảng được kỳ vọng trở thành một trung tâm logistics của khu vực và góp phần và sự tang trưởng của cả nước./.


MORE

Related Posts

LOGISTICS HẢI PHÒNG
4/ 5
Oleh

Xem Thêm

MENU


Loading...
Cách ngồi thiền nghe nhạc tịnh tâm